Đã bao giờ bạn thử thưởng thức món chè khoai môn chưa? Hôm nay ăn gì hãy vào bếp cùng tôi để học ngay công thức làm chè khoai môn bằng nồi cơm điện, chuẩn vị ngoài hàng mà lại siêu nhanh và tiện lợi. Nào cùng thực hiện ngay món chè này nhé!
Nguyên liệu làm Chè khoai môn bằng cơm điện
Khoai môn 500 gr(khoai sọ) Gạo nếp 250 gr Nước cốt dừa 350 ml(nước cốt dão) Nước cốt dừa 300 ml(nước cốt nhất) Lá dứa 5 nhánh Bột năng 3 muỗng canh Nước màu lá cẩm 1/2 chén(chén cơm) Đường 250 gr Muối 1 muỗng cà phê Nước lọc 350 mlCách chọn mua nguyên liệu tươi ngon
Cách chọn mua khoai môn ngon không sượng
- Khi mua khoai môn, bạn nên chọn mua những củ tròn đều, có hình dáng như quả trứng gà. Lớp vỏ ngoài sần sùi, có nhiều râu và đất bám trên vỏ.
- Ưu tiên chọn mua những củ khoai có kích thước vừa phải, không quá lớn cũng không quá nhỏ. Khoai môn tươi mới hái phải còn chút bùn đất, với nhiều rễ xung quanh.
- Nếu chọn những củ khoai đã sơ chế hoặc cắt sẵn, thì bạn nên chọn những củ khoai có ruột nhiều vân tím và đỏ đậm. Vì đây là dấu hiệu chứng tỏ là khoai ngon,
- Tránh mua những củ khoai môn có ruột bên trong nhợt nhạt hoặc vỏ ngoài mịn, ít lỗ, bởi những củ khoai môn này sẽ không ngon.
- Để món chè khoai môn thêm ngon, bạn nên ưu tiên sử dụng gạo nếp cái hoa vàng, bởi loại gạo nếp này khi nấu sẽ thơm và dẻo ngon hơn các loại gạo nếp khác.
- Ngoài ra, khi mua gạo nếp bạn nên chọn những hạt có kích thước đều nhau, không bị gãy hay có hiện tượng chuyển màu vàng hoặc đổ lông.
- Ưu tiên chọn mua gạo nếp có mùi thơm dịu nhẹ thoang thoảng đặc trưng của nếp mới, các hạt nếp trông căng, bóng đẹp mắt. Vì đây là dấu hiệu của gạo nếp mới thu hoạch.
- Hạn chế mua gạo nếp có mùi hăng, gây khó chịu khi ngửi. Bên cạnh đó, để đảm bảo an toàn và tránh trường hợp mua nhầm gạo nếp bị trộn hạt kém chất lượng, bạn nên chọn những cửa hàng bán gạo uy tín hoặc trong các siêu thị!
Dụng cụ thực hiện
Nồi cơm điện, xửng hấp, dao, thớt, nồi,...
Cách chế biến Chè khoai môn bằng cơm điện
Sơ chế và hấp khoai môn
Khoai môn mua về bạn gọt sạch vỏ sau đó đem đi rửa sạch với nước, để ráo rồi cắt thành các miếng nhỏ vừa ăn có chiều dài khoảng 1/2 lóng tay.
Cho khoai môn vừa cắt vào thau cùng 1/2 chén nước màu lá cẩm và 1/2 muỗng cà phê muối, trộn đều các nguyên liệu với nhau rồi cho khoai vào bộ nồi xửng hấp.
Hấp với lửa vừa khoảng 30 phút cho đến khi khoai chín mềm, bạn tắt bếp, cho khoai ra rổ, bỏ đi phần nước lá cẩm hấp rồi đợi cho khoai môn nguội hẳn.
Trong quá trình hấp, cách 5 phút bạn nên mở nắp nồi và trộn đều để khoai được đều màu và chín đều hơn nhé!
Cách gọt khoai môn không bị ngứa
- Cách 1: Đeo bao tay trong lúc gọt vỏ, đây là cách đơn giản nhất để giúp tay không tiếp xúc trực tiếp với khoai.
- Cách 2: Chần sơ khoai môn trong hỗn hợp nước muối pha loãng khoảng 3 phút để loại bỏ lông ngứa của khoai, sau đó ngâm khoai trong thau nước lạnh để giữ được độ giòn đặc trưng của khoai rồi mới bắt đầu lột vỏ.
Vo gạo và nấu nếp
Gạo nếp mua về bạn vo vài lần với nước cho sạch hết bụi bẩn, sau đó cho vào tô, ngâm ngập trong nước khoảng 1 tiếng cho nếp nở to ra rồi bạn vớt ra để ráo.
Tiếp theo, bạn lót dưới đáy nồi cơm điện 1 ít lá dứa rồi mới cho hết phần gạo nếp đã ráo nước cùng 350ml nước lọc vào. Đậy nắp nồi cơm điện lại, bật chế độ nấu và nấu trong khoảng 10 phút cho gạo nếp chín.
Nấu nước cốt dừa
Trong thời gian đợi gạo nếp nấu chín, bạn bắc nồi lên bếp, cho vào nồi 300ml nước cốt dừa (nước cốt nhất), 1/2 muỗng cà phê muối, hỗn hợp của 1 muỗng canh bột năng pha loãng với nước (tỷ lệ 1:1) và 50gr đường vào.
Vừa khuấy vừa nấu hỗn hợp nước cốt dừa trên lửa nhỏ khoảng 3 phút, cho đến khi hỗn hợp sôi lên, sánh lại và các gia vị tan hết thì tắt bếp.
Nấu chè
Sau khi gạo nếp đã nấu xong 10 phút, bạn mở nắp nồi cơm điện ra, cho vào nồi hết phần khoai môn đã hấp chín, 200gr đường và 350ml nước cốt dừa (nước cốt dão) vào.
Đậy nắp nồi cơm điện lại và nấp tiếp trong khoảng 15 phút. Sau 15 phút, bạn mở nắp nồi cơm điện lần nữa, khuấy đều, gắp lấy phần lá dứa bên trong ra.
Cuối cùng, hòa tan 2 muỗng canh bột năng cùng với 2 muỗng canh nước lọc ra chén riêng, rồi cho từ từ vào nồi cơm điện đang nấu chè. Vừa cho vừa khuấy đều tới khi chè sánh dẻo lại thì bạn rút dây cắm ra, tắt nồi.
Thành phẩm
Chè khoai môn nấu bằng nồi cơm điện sau khi hoàn tất sẽ có màu sắc vô cùng đẹp mắt, từng miếng khoai môn được nấu chín có màu tím nhạt của lá cẩm nổi bật trên nền màu trắng của nếp và nước cốt dừa.
Khi ăn, bạn sẽ cảm nhận được những hạt nếp mềm dẻo hòa cùng khoai môn thơm bùi, nước cốt dừa thì beo béo, hương lá dứa phảng phất cực kỳ hấp dẫn.
Để ngon hơn, bạn nên thưởng thức món chè này trong lúc chè còn nóng nhé!
Rất đơn giản là ta đã có ngay món chè khoai môn dẻo bùi rồi đúng không nào? Hy vọng các bước hướng dẫn trên hữu ích với bạn. Chúc bạn thành công!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét